Đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan

(HQ Online) - Tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (BCĐCĐS) của Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương; rà soát các nội dung trong kế hoạch chuyển đổi số đảm bảo phù hợp, khả thi… là một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng của Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, Trưởng ban BCĐCĐS của Tổng cục Hải quan tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo ngày 3/8, theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Quyết tâm triển khai thành công các mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan Toàn ngành Hải quan nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 Chuyển đổi số hải quan đáp ứng yêu cầu thông quan trong tình hình mới Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số ngành Hải quan
Phó Tổng cục trưởng, Trưởng ban BCĐCĐS của Tổng cục Hải quan  Lưu Mạnh Tưởng phát biểu chỉ đạo  phiên họp.
Phó Tổng cục trưởng, Trưởng ban BCĐCĐS của Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Tập trung thực hiện hải quan số

Theo báo cáo của Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), ngày 4/5/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ khi ban hành đến nay, Tổng cục Hải quan đã tập trung đẩy mạnh triển khai Kế hoạch trong toàn Ngành và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Tổng cục Hải quan đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng làm Trưởng ban; 3 phó trưởng ban gồm: Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Lê Đức Thành; Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn; Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị Đàm Viết Nghị; uỷ viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số vụ, cục khối cơ quan Tổng cục Hải quan và một số cục hải quan địa phương. Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo do Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Lê Đức Thành làm Tổ trưởng.

Đáng chú ý, về chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, toàn Ngành tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Cụ thể, đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan để phục vụ việc xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện hải quan số. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tài liệu nghiệp vụ chuẩn hoá với gần 2.000 trang tài liệu. Hoàn thành tài liệu yêu cầu kỹ thuật phục vụ Dự án xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan…

Đồng thời, đánh giá tổng thể hiện trạng các trang thiết bị hiện đang phục vụ công tác quản lý hải quan đề xuất nhu cầu đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác nghiệp vụ hải quan đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. Cập nhật hết tháng 6/2023 đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối NSW. Đã có với hơn 6,45 triệu bộ hồ sơ của hơn 63.500 doanh nghiệp được xử lý qua NSW…

Đảm bảo tính khả thi trong các kế hoạch chuyển đổi số

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng đánh giá, kết quả ứng dụng CNTT thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp ngành Hải quan đảm đương tốt vai trò tạo thuận lợi trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu ngày một lớn và tăng nhanh, trong khi số lượng biên chế không tăng.

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Tài chính về chuyển đổi số, yêu cầu nội tại về cải cách, hiện đại hóa của Ngành, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan là yêu cầu quan trọng, bức thiết.

Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023, Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo thời gian tới toàn Ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như:

Về công tác chỉ đạo, điều hành, cần khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Tổng cục và các cục hải quan địa phương; xác định rõ nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo. Xây dựng quy chế của Tổ giúp việc, trong đó cụ thể hóa nhiệm vụ của từng thành viên.

Tiến hành rà soát nội dung Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023 để đảm bảo phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính và đảm bảo tính khả thi.

“Cuối năm 2023 phải tổ chức tổng kết, đánh giá về kết quả triển khai, phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm về những nội dung chưa đạt được theo kế hoạch nếu có”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Về nội dung chuyển đổi số, đối với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và đồng thuận, ủng hộ trong quá trình triển khai.

Đối với Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023, Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo cần tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Thứ hai, số hóa các hồ sơ, chứng từ và thực hiện kết nối với các bộ, ngành qua NSW.

Thứ ba, rà soát, đảm bảo vận hành các phần mềm và hệ thống CNTT hiện có của Ngành, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đến khi xây dựng hệ thống mới. Xây dựng Hệ thống xử lý thông quan dự phòng cho Hệ thống VNACCS/VCIS.

Thứ tư, đối với chuyển đổi số trong quản lý nội Ngành, cần tập trung xây dựng hệ thống quản lý, điều hành tập trung nhằm đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo, điềuhành thống nhất, kịp thời… Đồng thời tăng cường thực hiện chữ ký số.

Thứ năm, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành các hệ thống CNTT; xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, cơ sở hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thái Bình
Phiên bản di động