Chuyển đổi số hải quan đáp ứng yêu cầu thông quan trong tình hình mới

(HQ Online) - Chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn mới. Để thực hiện thành công cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ công chức (CBCC) của toàn Ngành.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong ngành Hải quan
LONGFORM: Chuyển đổi số - nền tảng xây dựng Hải quan thông minh, hiện đại
Chuyển đổi số hải quan đáp ứng yêu cầu thông quan trong tình hình mới
Ứng dụng CNTT được ngành Hải quan triển khai rộng khắp trong toàn Ngành.
Trong ảnh, hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Cao Bằng. Ảnh: T.Bình

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký Quyết định 1105/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết, các mục tiêu quan trọng đặt ra trong kế hoạch lần này là: tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 2212/QĐ-BTC ngày 4/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

10 nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2023

1, Triển khai công tác chuyển đổi số trong nghiệp vụ hải quan.

2, Hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và các bên liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với chuyển đổi số của ngành Hải quan.

3, Hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển đổi số của các bộ, ngành đồng bộ với chuyển đổi số về nghiệp vụ hải quan, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

4, Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nội ngành.

5, Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số.

6, Phát triển nền tảng.

7, Phát triển cơ sở dữ liệu.

8, Đảm bảo an toàn thông tin.

9, Hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Hải quan.

10, Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Hải quan.

Nguồn: Quyết định 1105/QĐ-TCHQ

Đáng chú ý, năm 2023, ngành Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, đề xuất phê duyệt chủ trương dự án số 2 thuộc Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

Ngoài ra, một loạt mục tiêu liên quan cũng cần tập trung hoàn thành trong năm nay là: xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản pháp lý, đề án và triển khai các giải pháp kỹ thuật tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Xây dựng và triển khai các nền tảng ban đầu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi trong công tác quản trị nội ngành. Trong đó tập trung hoàn thành việc rà soát, chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý nội ngành.

Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyển đổi số được phân công thực hiện tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyển đổi số nêu tại Quyết định số 776/QĐ-BTC ngày 12/4/2023 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2023 có liên quan đến Tổng cục Hải quan.

Đặc biệt, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của tất cả CBCC hải quan về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Khuyến khích tương tác bằng công nghệ số

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, ngành Hải quan đặt ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cưởng tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho CBCC hải quan ở tất cả các cấp, các lĩnh vực một cách rộng rãi, qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú ý tập trung qua Cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và Tạp chí Hải quan điện tử.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa CBCC hải quan với người dân, doanh nghiệp thông qua sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác).

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp có sử dụng hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng.

Người đứng đầu tại mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng công việc, gắn nhiệm vụ về ứng dụng CNTT với mục tiêu chuyển đổi số, cải cách văn hóa, phương thức làm việc…

Thứ hai, đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và từng bước ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Áo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI)…

Thứ ba, đảm bảo nguồn lực triển khai chuyển đổi số về công nghệ thông tin, an toàn thông tin thông qua tăng cường gắn kết, phối hợp giữa với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT hải quan, tập trung vào các đối tượng: lãnh đạo quản lý CNTT; công chức chuyên trách CNTT có trình độ chuyên môn sâu trên các lĩnh vực phân tích thiết kế, phát triển và duy trì đảm bảo hệ thống; công chức trực tiếp sử dụng hệ thống thông qua triển khai các hệ thống ứng dụng.

Hoàn thiện quy trình tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm, bố trí CBCC để khắc phục việc thiểu công chức chuyên trách CNTT trình độ cao. Bố trí công chức chuyên trách CNTT gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, dựa trên các tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ của cán bộ.

Có chính sách ưu tiên cho cán bộ làm công tác chuyên trách ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thuộc Tổng cục Hải quan.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế qua việc hợp tác, học tập kinh nghiệm của hải quan các nước tiên tiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong xây dựng và triển khai các hệ thống CNTT hải quan.

Thứ năm, nhóm giải pháp về tài chính.

Thứ sáu, nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.

Thái Bình
Phiên bản di động