Ứng dụng thực tế ảo trong đào tạo nghiệp vụ chuyên môn hải quan

(HQ Online) - Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đi đôi với phát triển công nghệ và lấy con người làm trung tâm của sự phát triển là nội dung nổi bật được thảo luận xuyên suốt tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-12/10/2023. Tạp chí Hải quan đã phỏng vấn ông Larry Liza, Giám đốc Văn phòng phát triển nhân lực khu vực Đông và Nam Phi của WCO về vấn đề này.

Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp Ngành Hải quan phải tiên phong trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số Mỗi năm Học viện Tài chính đào tạo trên 2.000 cử nhân chuyên ngành Thuế và Hải quan
Ứng dụng thực tế ảo trong đào tạo nghiệp vụ chuyên môn hải quan
Ông Larry Liza, Giám đốc Văn phòng phát triển nhân lực khu vực Đông và Nam Phi của WCO

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công nghệ đối với ngành Hải quan?

Công nghệ là công cụ đóng vai trò quan trọng và ngày càng phát triển trong những năm vừa qua ở hầu hết các ngành, lĩnh vực cũng như trong các cơ quan tổ chức. Theo đó, các cơ quan tổ chức và các ngành nghề đã và đang ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có cơ quan Hải quan.

Trước đây, chúng ta thường xử lý quy trình thủ tục hải quan theo phương thức thủ công thì nay cùng với sự phát triển của công nghệ, tất cả các quy trình hải quan đã được thực hiện tự động hóa.

Công nghệ chính là một giải pháp hỗ trợ mang lại hiệu quả tốt nhất, giúp tự động hóa các quy trình thủ tục, từ đó tạo thuận lợi hơn cho thương mại, hiện đại hóa hải quan, đảm bảo thu ngân sách, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN, và mang lại hiệu quả hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi nghiệp vụ, đồng thời là chìa khóa quan trọng để trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin.

Do đó, theo tôi, công nghệ vẫn là yếu tố then chốt nhằm tự động hóa quy trình thủ tục hướng tới cải cách và hiện đại hóa hải quan.

Xin ông chia sẻ một số phương thức đào tạo nghiệp vụ hải quan hiện đang được áp dụng tại một số quốc gia?

Theo tôi, phương thức hiệu quả và phổ biến nhất trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành hải quan là hình thức học trực tuyến (e-Learning). Trước đây, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều các khóa học trực tiếp, tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các khóa học và mô hình học trực tuyến. Mô hình học trực tuyến cho phép người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi chỉ với các thiết bị công nghệ có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng…

Ngoài ra, hiện nay, ứng dụng thực tế ảo trong đào tạo và giảng dạy (VRT) cũng là một trong những mô hình ngày càng phổ biến. Đây là một phương thức tiếp cận mới cho người học và người dạy, thay vì chỉ học lý thuyết người học sẽ được thực hành, trải nghiệm thực tế hiện trường mà không phải đến trực tiếp thông qua các mô phỏng, không gian ảo.

Vì vậy, người học có thể ngồi tại chỗ và sử dụng thiết bị công nghệ thực tế ảo (VRT) mà vẫn có thể theo dõi thông tin về container hàng hóa tại cảng đường bộ và đường hàng không và đường biển… thông qua mô phỏng thực tế và không gian ảo. Do đó, ứng dụng thực tế ảo trong giảng dạy trực tuyến thực sự quan trọng và ngày càng phổ biến.

Theo ông, các cơ quan Hải quan nên ứng dụng giải pháp công nghệ nào để đạt hiệu quả cao trong quản lý?

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều hệ thống quản lý hải quan được ứng dụng tại Đông Nam Phi nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Cụ thể, ở Đông Nam Phi, Hệ thống kê khai hải quan tự động ASYCUDA đã được áp dụng để quản lý dữ liệu hải quan. Đây là một hệ thống được sử dụng trên toàn thế giới.

Một số quốc gia ở Đông Nam Phi cũng đang nghiên cứu và ứng dựng Hệ thống thông quan điện tử UNIPASS. Bên cạnh đó, một số các quốc gia khác như Kenya, Mauritius, Nam Phi hiện đang ứng dụng hệ thống quản lý hải quan riêng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động và tính liền mạch của các hệ thống này là điều quan trọng hơn cả.

Vì vậy, tôi hi vọng, các hệ thống có thể tích hợp và ngày càng được nâng cấp đáp ứng được yêu cầu quản lý ngày càng cao của ngành Hải quan.

Điều quan trọng hơn là phải tích hợp quản lý rủi ro và trí tuệ nhân tạo trong tất cả các hệ thống quản lý hải quan cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu hiệu quả hơn giữa các cơ quan Hải quan nhằm đạt mục tiêu phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ và hiện đại hóa hải quan.

Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về công tác tổ chức “Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới năm 2023” do Hải quan Việt Nam chủ trì?

Tôi thực sự xúc động khi tham gia Hội nghị lần này. Tôi sinh ra và lớn lên ở Kenya vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Chúng tôi thường xem phim của Chuck Norris và hầu hết các bộ phim đều lấy ý tưởng từ Việt Nam và cuộc chiến tranh đang diễn ra ở đây. Và đó là những gì chúng tôi đã nghĩ khi nhắc đến Việt Nam.

Nhưng khi đến đây, tôi thực sự bất ngờ và ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam, vẻ đẹp của đất nước, con người và cách tổ chức hội nghị này là điều tuyệt vời nhất mà từ trước đến nay tôi có cơ hội được tham dự. Đây là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, môi trường sống bình yên và có nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất chính là vẻ đẹp của con người nơi đây.

Mọi người rất thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Tôi mong rằng mình sẽ có cơ hội được quay trở lại du lịch tại Việt nam để có thêm nhiều trải nghiệm. Hội nghị công nghệ lần này là hội nghị ấn tượng nhất mà tôi từng tham dự.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang (Thực hiện)
Phiên bản di động