Ngành Hải quan chuyển đổi số toàn diện

(HQ Online) - Ngày 13/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1855/QĐ-BTC về việc ban hành “Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025”.
Hải quan TPHCM xây dựng lực lượng chuyên nghiệp phát triển Hải quan số
Chuyển đổi số - đột phá quan trọng trong hiện đại hóa ngành Tài chính
Công tác quản lý trị giá hải quan: Cần “chiếc áo” rộng hơn- Bài 4: Những yêu cầu đặt ra để cải cách toàn diện công tác quản lý trị giá hải quan
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). 	Ảnh: Q.Hùng
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: Q.Hùng

6 mục tiêu cụ thể

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 là xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam hiện đại đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số theo định hướng Chính phủ số, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước về Hải quan gắn với cải cách, đổi mới hoạt động nghiệp vụ hải quan trong thực hiện Hải quan số, tự động hóa thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu… nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới; tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng; thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 đặt ra 6 mục tiêu cụ thể.

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về hải quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, triển khai Hải quan số, hướng tới Hải quan thông minh; triển khai đầy đủ, sâu rộng các cam kết, chuẩn mực quốc tế. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số trong quản lý nhà nước về hải quan chưa được pháp luật quy định, qua đó tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.

Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Ba là, nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành ngành Hải quan. Xây dựng và tổ chức bộ máy cơ quan hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian từ Tổng cục tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đáp ứng thực hiện hải quan số hướng tới hải quan thông minh và chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan.

Năm là, xây dựng và vận hành Hệ thống công nghệ thông tin hải quan đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, thực hiện Hải quan số hướng tới hải quan thông minh với cơ sở dữ liệu số hóa tối đa, tập trung cấp Tổng cục và xử lý nghiệp vụ thống nhất trên cùng hệ thống, sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo tiếp nhận và chia sẻ các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Hải quan số hiệu quả theo kiến trúc Chính phủ số...

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả thực chất nhằm phục vụ cho công tác thực thi pháp luật hải quan cũng như tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan; thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin nghiệp vụ với hải quan khu vực và trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, phòng chống và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Các nhóm giải pháp trọng tâm

Để đạt được những mục tiêu trên, Kế hoạch cũng đặt ra các nhóm giải pháp trọng tâm gồm thể chế; thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; kiểm tra sau thông quan; quản lý thuế; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và đào tạo; công nghệ thông tin, công nghệ số và Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Trong đó, nhóm giải pháp về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, rà soát toàn diện quy trình nghiệp vụ, thực hiện tái thiết kế và xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ hải quan đơn giản, hài hòa, chuẩn hóa và đẩy mạnh tự động hóa các quy trình thủ tục theo hướng đồng bộ, liên thông, tích hợp. Hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan theo hướng tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trang thiết bị hiện đại trong quá trình thực hiện phục vụ chuyển đổi số ngành Hải quan, thực hiện mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.

Nhóm giải pháp về kiểm soát hải quan, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát Hải quan thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ kiểm soát Hải quan theo hướng đơn giản, hiệu quả đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và đào tạo, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan theo nguyên tắc tinh gọn, không tăng số lượng đầu mối đơn vị (theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương). Cụ thể, nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình Hải quan số, hướng tới Hải quan thông minh và chuyển đổi số ngành Hải quan

Quang Hùng
Phiên bản di động