Hợp tác trong ứng dụng công nghệ giúp công tác quản lý hải quan đạt hiệu quả hơn

(HQ Online) - Bên lề Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO diễn ra vừa qua tại Hà Nội, bà Debbie Seguin (ảnh), Trợ lý Cao ủy, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Hải quan xung quanh vấn đề tăng cường hợp tác giữa các bên để tìm kiếm các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động của cơ quan Hải quan trong tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Ngành Hải quan phải tiên phong trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số Ngành Hải quan phải tiên phong trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số Hải quan Việt Nam phối hợp hiệu quả với WCO tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023

Bà có nhận định gì về sự gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu đang kéo theo nhiều phức tạp, khiến cơ quan Hải quan tăng cường tìm kiếm các giải pháp công nghệ để hỗ trợ?

Hợp tác trong ứng dụng công nghệ giúp công tác quản lý hải quan đạt hiệu quả hơn

Tôi thực sự cho rằng sự phát triển của thương mại toàn cầu đã tạo ra nhiều vấn đề phức tạp cho cơ quan Hải quan nói riêng cũng như tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Nhưng tôi cho rằng, những vấn đề đó sẽ càng tạo điều kiện cho chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong việc hợp tác với nhau.

Để công tác quản lý của cơ quan Hải quan đạt hiệu quả cao hơn cần sự hợp tác rất lớn của các DN trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Bởi khi cơ quan Hải quan và các DN có nhiều hoạt động hợp tác về kỹ thuật, cũng như xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin thì ngoài hiệu quả nâng tầm quan hệ hợp tác giữa các bên sẽ còn nâng cao chất lượng trong thương mại toàn cầu, mang đến thuận lợi cho tất cả các bên tham gia.

Nhằm làm minh bạch và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan có liên quan, theo bà, cơ quan Hải quan sẽ phải sử dụng đến những cơ chế nào để tạo thuận lợi thương mại?

Tôi tin rằng, nội dung liên quan đến tạo thuận lợi thương mại được các cơ quan, đại diện, chuyên gia đưa ra tại các hội nghị cũng chính là một ví dụ tốt. Cơ chế đối thoại giữa các bên cũng là một trong những cơ chế hiệu quả để các cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp thúc đẩy đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thông lệ tốt nhất về công nghệ và đổi mới. Điển hình như ngay tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO này, các bên đã tích cực tham gia, trao đổi và tìm kiếm đối tác tiềm năng phục vụ đắc lực cho việc tạo thuận lợi thương mại toàn cầu.

Việc trao đổi giữa các bên liên quan đến đổi mới và công nghệ có thể hỗ trợ cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý biên giới trong việc thực hiện nhiệm vụ và đạt được hiệu quả cao hơn, minh bạch và tăng cường hợp tác.

Tôi mong muốn các bên, các cơ quan liên quan sẽ tích cực chủ động tham gia các diễn đàn đa phương và mời khu vực tư nhân tham gia với vai trò là đối tác tin cậy. Ví dụ như hợp tác quốc tế thông qua các tổ chức như WCO, giúp các bên ngồi lại thảo luận, chia sẻ, cùng có những giải pháp giúp giải quyết các thách thức về đổi mới và công nghệ trong lĩnh vực hải quan.

Theo bà, yếu tố chính thức thúc đẩy đổi mới trong quản lý hải quan và biên giới là gì? Làm thế nào để nuôi dưỡng và hỗ trợ những yếu tố này?

Theo tôi, các giải pháp công nghệ thành công trong tạo thuận lợi thương mại đã và đang giải quyết các mối lo ngại về bảo vệ dữ liệu, đảm bảo sự tin tưởng và sự tự tin của tất cả các bên liên quan. Trong đó, những yếu tố có thể bao gồm việc tăng cường an ninh và đẩy mạnh công nghệ trong quản lý của cơ quan Hải quan. Việc chia sẻ thông tin với mục tiêu xác định, phù hợp với những khuôn khổ hợp tác khác nhau và trong một môi trường được đảm bảo, cũng rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi thương mại và du lịch. Như vậy, những bên có liên quan cũng có thể tin tưởng vào các cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ của mình về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi thương mại.

Xin cảm ơn bà!

Quan hệ hợp tác Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ

Theo đánh giá của Hải quan Việt Nam, ngay từ khi Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (CMAA) được ký kết (tháng 12/2019), cơ quan Hải quan hai nước đã tích cực, chủ động trong việc trao đổi thiết lập kênh trao đổi thông tin trực tiếp, nhanh chóng và kịp thời giữa hai bên để có thể hỗ trợ cung cấp thông tin theo yêu cầu phục vụ quá trình điều tra xác minh nghi vấn vi phạm hải quan.

Từ khi Hiệp định CMAA có hiệu lực (tháng 5/2020) cho đến nay, hai bên đã tiến hành trao đổi thông tin/đề nghị xác minh, hỗ trợ điều tra tổng số hơn 35 vụ việc. Một số vụ việc liên quan đến mặt hàng ống thép, gỗ ép, xe đạp điện, lốp xe ô tô đã qua sử dụng, nhờ thông tin do hai bên cung cấp đã xác định được hành vi gian lận của các đối tượng ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã nỗ lực trong việc ngăn chặn các hành vi lợi dụng Việt Nam làm con đường trung chuyển, chuyển tải bất hợp pháp hàng hoá để gửi sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại. Từ nỗ lực này của Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã đánh giá thực tế, khách quan trong cuộc điều tra liên quan đến phá giá tiền tệ tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ về 29 vụ việc được Hải quan Việt Nam điều tra và phát hiện vi phạm (gồm cả các vụ việc Hải quan Việt Nam chủ động điều tra và các vụ việc điều tra nhờ thông tin Hoa Kỳ cung cấp).

Cũng theo Hải quan Việt Nam, đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên đã tiến hành các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc song phương. Trong đó, hai bên đã thực hiện Hội đàm cấp cao giữa Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cao ủy Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (tháng 6/2022) nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Hiệp định CMAA và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan Hải quan.

Hiện tại, phía Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ đào tạo cho Hải quan Việt Nam trong các lĩnh vực nghiệp vụ có liên quan bao gồm: kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan, xuất xứ hàng hóa, quản lý rủi ro…; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quy trình triển khai của Hoa Kỳ; hỗ trợ đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hải quan Việt Nam.

Thời gian tới, hai bên sẽ tận dụng cơ chế hợp tác đã được thiết lập trong khuôn khổ Hiệp định CMAA, đặc biệt là các yêu cầu cung cấp thông tin định kỳ/thường xuyên hoặc yêu cầu hỗ trợ theo vụ việc phát sinh. Hai bên cũng sẽ nghiên cứu và xem xét khả năng hợp tác theo Thỏa thuận thực thi thương mại nhằm ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng (theo Đạo luật 414) và chương trình trao đổi dữ liệu hàng hóa điện tử với nước ngoài của Hoa Kỳ (FECDEP).

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác điều tra xác minh thông tin, đấu tranh ngăn chặn tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế. Trong đó giải pháp là kết nối chia sẻ thông tin tình báo kịp thời, nhằm ngăn chăn vi phạm pháp luật hải quan từ sớm, từ xa. Hợp tác ngăn chặn tội phạm về môi trường, tập trung vào việc hỗ trợ và hợp tác để thực thi Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến việc kiểm soát gỗ bất hợp pháp được ký kết vào tháng 10/2021; hợp tác trong các vấn đề liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPR). Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành Cơ chế một cửa quốc gia.

Hồng Nụ (ghi)

Hồng Nụ (thực hiện)
Phiên bản di động