Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO: Cơ hội để tiếp cận nhiều công nghệ mới

(HQ Online) - Tại Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức sáng 3/10, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương chia sẻ: Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức từ ngày 10 đến 12/10/2023 tại Hà Nội, là cơ hội để Hải quan Việt Nam tiếp cận nhiều công nghệ mới.
Hải quan Việt Nam với 5 vai trò quan trọng tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO 50 gian triển lãm công nghệ tham gia Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO mang đến sức mạnh công nghệ trong lĩnh vực hải quan
Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO: Cơ hội để tiếp cận nhiều công nghệ mới
Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương (thứ 2 từ trái sáng) tại Tọa đàm do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10. Ảnh: Bùi Nụ.

Hải quan không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ mới

Theo ông Phạm Duyên Phương, với thành phần tham dự Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO đến từ nhiều nền hải quan tiên tiến và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp logistics quản lý giao dịch thương mại xuyên biên giới…, là cơ hội để Hải quan Việt Nam học hỏi, nắm bắt, từ đó nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiêu quả quản lý nhà nước về hải quan, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai”

Với kết quả tích cực trong cải cách, hiện đại hóa hải quan và kinh nghiệm có được qua nhiều lần hợp tác với Hải quan các nước tiên tiến và một số tổ chức quốc tế, tiêu biểu là hợp tác với Hải quan Nhật Bản trong xây dựng và vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS năm 2014, hay thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, ông Phạm Duyên Phương tin tưởng Hải quan Việt Nam sẽ thu nhận được nhiều kết quả từ Hội nghị và Triển lãm lần này của WCO.

Ngoài ra, thông qua Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO, Hải quan Việt Nam muốn chia sẻ các thông điệp quan trọng như:

Thứ nhất, Hải quan Việt Nam luôn luôn mong muốn vươn lên trở thành cơ quan dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời mong muốn thu nhận nhân tài, nuôi dưỡng thế hệ tương lai.

Thứ hai, thể hiện đội ngũ cán bộ công chức Hải quan Việt Nam là lực lượng chuyên nghiệp, thân thiện, cởi mở để chào đón các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, đưa nước ta hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, Hải quan Việt Nam liên tục đổi mới, luôn luôn sẵn sàng đổi mới, áp dụng công nghệ mới. Thông qua Hội nghị và Triển lãm lần này, Hải quan Việt Nam mong muốn tiếp tục tìm được những công nghệ mới tốt nhất để áp dụng tại Việt Nam…

3 nhân tố quan trọng để xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh

Liên quan đến mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh đang được Hải quan Việt Nam tập trung triển khai, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan chia sẻ, trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 xác định: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

“Để chuyển đổi số thành công phải tìm các giải pháp về công nghệ phù hợp, bởi cơ quan Hải quan là cơ quan ứng dụng, không phải cơ quan sáng tạo về công nghệ”, ông Phạm Duyên Phương nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, 3 yếu tố quan trọng để thực hiện được mục tiêu trên là áp dụng Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vận (IOT) và Trí tuệ nhận tạo (AI), sẽ giúp cơ quan Hải quan đạt được đồng thời cả 2 nhiệm vụ là tạo thuận lợi thương mại và phòng, chống buôn lậu hiệu quả.

Chia sẻ về việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài công nghệ trong lĩnh vực Hải quan, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan cho rằng, cách thu hút nhân lực công nghệ của cơ quan Hải quan khác các công ty công nghệ, đơn vị nghiên cứu công nghệ.

“Với thực tế quản lý hiện nay, có 2 lĩnh vực cơ quan Hải quan đang cần thu hút nhân tài về công nghệ. Đó là, lĩnh vực về quản trị dữ liệu, bởi dữ liệu là tài nguyên, tài sản quốc gia, vì vậy, quản trị dữ liệu là vô cùng quan trọng, đảm bảo thu thập dữ liệu một cách tin cậy nhất, sử dụng, quản lý hiệu quả nhất… Thứ hai, là thu hút nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu và xây dựng quy trình, mô hình dữ liệu để xây dựng thành các quy định pháp luật, quy trình thủ tục quản lý, đồng thời ứng dụng trong quản trị dữ liệu…”, ông Phạm Duyên Phương chia sẻ.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Hải quan hiện có Trường Hải quan Việt Nam, trước khi cán bộ công chức được phân công các công tác nghiệp vụ cụ thể sẽ được đào tạo, bồi dưỡng tại đây, trong đó có đào tạo về công nghệ. Ngoài ra, khi có các công nghệ mới, ngành Hải quan cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức.

Đặc biệt, để góp phần cũng ngành Hải quan thực hiện thành công tác mục tiêu về cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong công tác nghiệp vụ luôn cần sự đồng hành, hợp tác của các công ty công nghệ.

Bạn đọc có thể theo dõi lại toàn bộ nội dung Tọa đàm trên Tạp chí Hải quan online (https://haiquanonline.com.vn/toa-dam-truc-tuyen-cong-nghe-hai-quan-va-the-he-tuong-lai-291.media).

Thái Bình
Phiên bản di động