Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO: Cơ hội chia sẻ, tiếp cận khai thác sức mạnh của công nghệ

(HQ Online) - Hội nghị và Triển lãm công nghệ thường niên năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) sẽ diễn ra với 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ có các cuộc trò chuyện về công nghệ từ các chuyên gia (Tech talks). Đây sẽ là cơ hội để các cơ quan, DN chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ trong lĩnh vực hải quan.
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực châu Á Thái Bình Dương của WCO lần thứ 24 Hải quan Việt Nam gấp rút chuẩn bị sự kiện Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO năm 2023 WCO và Nhóm Tư vấn Khu vực tư nhân tổ chức hội nghị đối thoại thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại
Hội nghị và Triển lãm công nghệ thường niên năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO)  sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 12/10/2023.
Hội nghị và Triển lãm công nghệ thường niên năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 12/10/2023.

10 phiên chủ đề chuyên sâu

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, 10 phiên toàn thể của hội nghị sẽ diễn ra theo các chủ đề chuyên sâu, nhằm giúp các đại biểu tham dự có cơ hội chia sẻ, tiếp cận các công nghệ mới cũng như kinh nghiệm thực tế trong triển khai, áp dụng.

Phiên toàn thể 1 “Chiến lược phía sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu”, các diễn giả sẽ trao đổi về các chiến lược đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan nhằm khai thác sức mạnh của công nghệ để đối phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu. Từ đó, xây dựng kế hoạch thu hút thế hệ cán bộ hải quan kế nhiệm và mở ra các cách tiếp cận khác nhau trong việc đặt yếu tố con người làm trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ.

Phiên toàn thể 2 “Xây dựng hệ thống hải quan có khả năng thích ứng: An ninh mạng, phục hồi sau đại dịch và xây dựng kế hoạch đảm bảo tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số”, sẽ trao đổi về các thách thức chính cũng như các thông lệ tốt trong việc đảm bảo an ninh mạng trong các hệ thống của cơ quan Hải quan bao gồm việc xây dựng văn hóa nhận thức về vấn đề an ninh cho các cán bộ hải quan, đầu tư vào hạ tầng an ninh mạng. Đồng thời thường xuyên thực hiện đánh giá rủi ro kết hợp với thử nghiệm khả năng bị ảnh hưởng của hệ thống. Ngoài ra sẽ trao đổi về các kế hoạch phục hồi sau thảm họa và đảm bảo tính liên tục của hệ thống và tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện, đảm bảo phải có hệ thống và dữ liệu dự phòng.

Tại phiên toàn thể 3 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cơ quan Hải quan: Khai thác dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro và tạo thuận lợi thương mại” sẽ tập trung thảo luận về về tiềm năng của phân tích dữ liệu, máy học (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ chuyển đổi các hoạt động của cơ quan Hải quan cũng như hoạt động quản lý biên giới thông qua việc hỗ trợ các cơ quan Hải quan nhận thức cụ thể hơn và bằng cách phân tích lượng dữ liệu khổng lồ tạo ra bởi các giao dịch thương mại quốc tế, các chuỗi cung ứng và hoạt động tại biên giới. Mục tiêu của phiên này là tìm hiểu về các lợi ích và thách thức tiềm năng của phân tích dữ liệu, ML và AI trong hợp tác hải quan, giới thiệu các thông lệ tốt và các ví dụ đã thành công trong thực tiễn.

Phiên toàn thể 4 về “Tăng cường sự tin cậy và chất lượng dữ liệu: Công nghệ chuỗi khối có thể hỗ trợ hoạt động hải quan như thế nào” sẽ khả năng hỗ trợ của công nghệ chuỗi khối và Sổ cái (DLT) trong việc gia tăng tính minh bạch, hiệu quả và tuân thủ của thương mại quốc tế thông qua việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến quy trình quản lý biên giới giữa các bên liên quan với mức độ an toàn cao. Phiên này cũng sẽ đưa ra ví dụ về các ứng dụng của công nghệ chuỗi khối và sổ cái trong hoạt động hải quan, đồng thời tìm hiểu các lợi ích và rào cản trong việc áp dụng các công nghệ này.

Phiên toàn thể 5 về “Công nghệ mới trong soi chiếu hàng hóa: Tận dụng đổi mới để nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan” sẽ trao đổi, giới thiệu các giải pháp và sáng kiến công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan. Cụ thể như thiết bị soi chiếu không xâm nhập (NII) để kiểm soát hải quan đối với container, xe tải, xe lửa hoặc bưu kiện nhỏ.

Phiên toàn thể 6 về “Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công” sẽ trao đổi về thực tiễn việc trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với cơ quan Hải quan, Cơ chế một cửa và các giải pháp công nghệ khác của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý biên giới để hỗ trợ thực hiện các chính sách về tạo thuận lợi thương mại của chính phủ. Các diễn giả cũng sẽ thảo luận làm thế nào để đổi mới và công nghệ có thể hỗ trợ cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý biên giới thực hiện nhiệm vụ với hiệu quả cao hơn, đảm bảo minh bạch và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan liên quan.

Phiên toàn thể 7 với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Hỗ trợ cơ hội phát triển cho tất cả các bên thông qua thương mại điện tử an toàn và bền vững” giới thiệu cách thức các cơ quan Hải quan hợp tác với các bên liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử và khai thác dữ liệu và công nghệ để triển khai khung tiêu chuẩn WCO về thương mại điện tử xuyên biên giới và hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới an toàn, bảo mật và bền vững.

Phiên toàn thể 8 về “Thúc đẩy đổi mới thông qua hợp tác” sẽ đưa ra những ví dụ điển hình về sự hợp tác thành công giữa Hải quan- DN và và giới học thuật trong việc thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực hải quan và quản lý biên giới với mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh thương mại quốc tế.

Phiên toàn thể 9 với chủ đề “Mở rộng quy mô để đạt hiệu quả trong tạo thuận lợi thương mại, an toàn và an ninh” là diễn đàn dành cho các công ty khởi nghiệp, các nhóm tư vấn và các viện nghiên cứu chia sẻ các giải pháp dành cho cơ quan Hải quan hoặc chuỗi cung ứng nói chung. Từ đó truyền cảm hứng và động lực cho thế hệ các nhà đổi mới tiếp theo phát triển các giải pháp mới nhằm ứng phó với các thách thức mà cơ quan Hải quan và thương mại toàn cầu đang phải đối mặt. Các giải pháp có thể đang trong giai đoạn ý tưởng hoặc đã được thực hiện ở một quốc gia, nhưng có khả năng thành công ở các cơ quan Hải quan và quốc gia khác.

Phiên toàn thể 10 về “Tương lai hải quan: Thay đổi nơi làm việc bằng ứng dụng dữ liệu và công nghệ” sẽ thảo luận về cách thức cộng đồng hải quan toàn cầu bắt kịp với bối cảnh thay đổi, cách thức sử dụng dữ liệu và công nghệ để thu hút và giữ chân nhân tài trong Hải quan và tương lai của cán bộ Hải quan trong vài thập kỷ tới.

Thách thức và đổi mới đặt ra trong 9 chuyên đề

Ngoài các phiên toàn thể, hội nghị có 9 phiên chuyên đề được chia thành 3 nhóm A, B,C và diễn ra song song trong chiều ngày thứ 2 của hội nghị.

Tại chuyên đề A gồm các phiên: Phiên A1 về tối đa hóa đào tạo số trong hải quan: Cách thức khai thác tối đa công nghệ mới trong hoạt động đào tạo và phát triển; phiên A2 về giải quyết các thách thức về đào tạo trong lĩnh vực hải quan và phiên A3 về các thách thức trong việc bảo vệ dữ liệu: Học liên kết có phải là giải pháp.

Tại chuyên đề B gồm các phiên: Phiên B1 về Hải quan Xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới; Phiên B2 về phá vỡ rào cản: Đạt được bình đẳng giới thông qua công nghệ và đổi mới; phiên B3 về công nghệ hỗ trợ liêm chính hải quan.

Chuyên đề C gồm các phiên: Phiên C1 về tăng cường kiểm soát với các giải pháp thông minh; phiên C2 về thúc đẩy hoạt động hải quan với thiết bị bay không người lái và rô bốt và phiên C3 về mở khóa sức mạnh của trao đổi dữ liệu: Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng mô hình dữ liệu WCO.

Nụ Bùi
Phiên bản di động