Hoạt động hải quan và số hóa luôn song hành

(HQ Online) - Kỷ nguyên số mang đến những cơ hội to lớn để thay đổi cách thức thực thi nhiệm vụ của các công chức hải quan ở bất kỳ cấp nào. Cùng với đó, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong hoạt động hải quan. Tạp chí Hải quan đã phỏng vấn ông Philippe DUPONTEIL, Cục trưởng phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số về thuế và hải quan thuộc Tổng cục Thuế và Hải quan, Ủy ban châu Âu, bên lề Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO 2023 về nội dung này.
Hải quan Việt Nam khẳng định vị thế trong chuyển đổi số của Hải quan thế giới Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh, Hải quan xanh
Hoạt động hải quan và số hóa luôn song hành

Ông có thể cho chúng tôi biết về vai trò của chuyển số trong hoạt động hải quan?

Hoạt động hải quan và thương mại ngày càng thay đổi nhanh chóng cùng với sự gia tăng và phát triển của hàng hóa và thương mại điện tử. Số hóa đang định hình lại xã hội và hoạt động thương mại. Do đó hoạt động hải quan và số hóa luôn song hành cùng nhau.

Hoạt động hải quan có vai trò rất đặc biệt vì được thực thi hàng ngày, hệ thống hải quan đòi hỏi phải được hoạt động thông suốt và thông quan nhanh hàng hóa. Đây chính là yếu tố nâng cao khả năng cạnh tranh tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu đường bộ. Do đó, điều quan trọng là cơ quan Hải quan phải được tiếp cận và hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ mới nhất, xét từ hai khía cạnh vừa đổi mới vừa đảm bảo hoạt động thường xuyên và công nghệ ổn định và tin cậy được đưa vào khai thác.

Nhìn chung, khía cạnh quan trọng của hoạt động hải quan là tránh tình trạng thường xuyên xử lý thủ tục bằng phương pháp thủ công, đồng thời công chức thực thi cần được trang bị kỹ năng tốt nhất để ứng phó với những thách thức do thương mại xuyên biên giới đặt ra.

Tôi nhận thấy nhiều khía cạnh quan trọng khác nhau khi nói về chuyển đổi số của hải quan bao gồm tự động hóa trong thực hiện thủ tục hải quan và vấn đề liên quan đến khả năng kết nối của hệ thống và thủ tục.

Liên minh châu Âu (EU) đã có khuôn khổ pháp lý rất chặt chẽ dựa trên khả năng kết nối về kỹ thuật, vận hành, tổ chức và pháp lý; nâng cao phân tích rủi ro thông qua các công cụ như Trí tuệ nhân tạo hoặc phân tích dự đoán, Hệ thống Một cửa được dựa trên Khuyến nghị 33 của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc châu Âu (UNECE), tiếp đó dự kiến sẽ triển khai hệ thống một điểm dừng cho doanh nghiệp khai báo tại biên giới.

Một yêu cầu đặt ra là các quyết định của Hải quan cần phải mang tính dự đoán được vì tầm quan trọng của chúng trong hoạt động của chuỗi cung ứng, ví dụ đối với hàng hóa dễ hư hỏng đòi hỏi phải được thông quan nhanh, không thể chậm trễ.

Ông có thể chia sẻ về việc chuyển đổi số tại châu Âu, thưa ông ?

Đây là một chủ đề rất rộng mà Ủy ban châu Âu, đặc biệt Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von Der Leyen ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Hiện EU đang triển khai chuyển đổi số tại nhiều lĩnh vực tiên phong và trong mấy tháng gần đây đã thông qua một số luật mới liên quan đến chuyển đổi số tại EU.

Một trong những trụ cột chính của chuyển đổi số ở EU trước tiên là đảm bảo “số hóa” và có thể truy cập được. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ các công nghệ mới dựa vào việc truyền dữ liệu lớn. Trong lĩnh vực này, EU đang thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ như cáp quang và 5G thông qua sáng kiến với tên gọi “Một châu Âu được kết nối toàn cầu”.

Một trụ cột khác mà tôi đã đề cập đó là tính tương thích (giữa các hệ thống với nhau), gần đây Ủy ban châu Âu đã đề xuất một luật với tên gọi “Đạo luật châu Âu về tính tương thích”. Đạo luật này nhằm mục tiêu đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo tính tương thích trong các hệ thống của cơ quan Chính phủ trên toàn EU. Theo đó, cơ quan Hải quan của các quốc gia thành viên châu Âu triển khai hệ thống phải đảm bảo nguyên tắc về tính tương thích, trên thực tế, Bộ luật Hải quan Liên minh châu Âu hiện hành quy định cách thức các hệ thống hải quan nên tích hợp với nhau như thế nào.

Về phía cơ quan Hải quan, chúng tôi đưa vào Luật việc áp dụng mô hình dữ liệu hải quan đến cấp độ kỹ thuật (dựa trên mô hình dữ liệu của Tổ chức Hải quan thế giới) .

EU đang soạn thảo các luật liên quan đến dự án chuyển đổi số này với dự án về An ninh mạng và Trí tuệ nhân tạo như Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số. Một mặt, EU phải đáp ứng với sự thay đổi về công nghệ, mặt khác, EU cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, đây cũng là những nguyên tắc rất quan trọng đối với EU và công dân EU.

Trên thực tế, khi EU bắt đầu thực hiện số hóa, chúng tôi thường có hai cách để tiếp cận vấn đề. Cách thứ nhất là chúng tôi bắt đầu tiếp cận từ khía cạnh đổi mới và công nghệ và xem xét mối tương quan với quy định trong Luật Đạo đức. Hoặc chúng tôi sẽ thực hiện theo cách ngược lại là sẽ tìm hiểu các quy định mà Luật Đạo đức cho phép sau đó nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ và phát minh mới. Trong cả hai trường hợp, chúng tôi luôn tuân theo một trong những nguyên tắc chính của Liên minh châu Âu, đó là nguyên tắc tỉ lệ để đạt được mục tiêu của mình.

Với cái nhìn khách quan, quá trình này có thể cản trở sự đổi mới, nhưng trên thực tế thì ngược lại, bởi vì khi chúng tôi quyết định tiếp tục chuyển đổi số ở một mức độ nhất định, chúng tôi sẽ thực hiện điều đó với quyết tâm và sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như người dân.

Ông đánh giá thế nào về lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động hải quan?

AI có nhiều ứng dụng thực tế khác nhau trong hoạt động Hải quan và có thể mang lại nhiều lợi ích. Có một số ứng dụng khá cụ thể, ví dụ như trong quản lý rủi ro và phân tích dự đoán. AI chắc chắn có thể phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn con người và có thể nhận diện các xu hướng chưa rõ ràng. AI không chỉ có thể phân tích khối lượng lớn dữ liệu văn bản (như tờ khai hải quan), mà còn phân tích hình ảnh và đối chiếu với nội dung trong tờ khai hải quan.

Bên cạnh việc ứng dụng AI một cách thông thường, AI cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và cho mục đích đào tạo. Ví dụ: tại Ủy ban châu Âu, chúng tôi đã sử dụng Trí tuệ nhân tạo để tạo các mô hình học tập điện tử về nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến hoạt động hải quan và thuế. Thông thường, một kịch bản sẽ được chuẩn bị sẵn, sau đó AI sẽ tạo ra giáo viên kỹ thuật số có giọng nói trình bày và giảng dạy.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không nên phụ thuộc hoàn toàn vào AI trong công việc. Ở EU, chúng tôi tuân thủ nguyên tắc gọi là nguyên tắc “bốn mắt”, theo đó các quyết định do AI đưa ra thường được xem xét bởi ít nhất hai công chức thực thi. Bởi vì AI có thể đưa ra những quyết định chưa chính xác. Những quyết định này có thể ảnh hưởng đến cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, đồng thời làm mất lòng tin của họ, theo đó gây thiệt hại về số thu ngân sách.

Cộng đồng Hải quan toàn cầu làm cách nào để bắt kịp với bối cảnh đang thay đổi cũng như ứng dụng dữ liệu và công nghệ để thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực Hải quan, thưa ông?

Bắt kịp với xu hướng đang thay đổi được các chuyên gia liên hệ với tính “duy trì các hệ thống cũ”. Tôi nghĩ rằng để chuyển đổi số, chúng ta luôn cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, và đối với hải quan điều này phù hợp hơn so với các lĩnh vực khác. Hoạt động hải quan diễn ra 24/7, để có được kinh nghiệm trong lĩnh vực này không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể của các hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí quan trọng như chuyên gia phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu và chuyên gia AI. Để thu hút người trẻ ứng tuyển cho những vị trí này, Hải quan phải sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới, cho phép công chức hải quan đưa ra quan điểm và kiến thức chuyên môn của riêng họ, và cuối cùng là tạo ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt.

Tại Ủy ban châu Âu, chúng tôi đã triển khai một hoạt động với tên gọi là “chương trình nghị sự hướng tới tương lai”, trong đó chúng tôi đã đề cập đến một số ứng dụng rất quan trọng hiện nay (blockchains, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và các ứng dụng khác). Tôi đã hỏi các đồng nghiệp của tôi hãy tự dự đoán trong vài năm tới và tưởng tượng những ứng dụng này sẽ tác động đến cuộc sống và công việc của chúng ta như thế nào.

Theo đó, chúng tôi đã nhận thấy sự kết nối và trao đổi giữa các lĩnh vực, chẳng hạn như khi thực hiện xác định danh tính số, nghiệp vụ hải quan và phân tích. Chúng tôi đã nhận thấy hiệu quả khác biệt so với công việc hàng ngày, chúng tôi có cơ hội đạt đến đỉnh cao trong các lĩnh vực mới và hấp dẫn, và khẳng định được vị trí của mình trong các lĩnh vực này.

Ông có thể đưa ra khuyến nghị gì cho Hải quan Việt Nam, thưa ông?

Trước tiên tôi xin cảm ơn Hải quan Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO. Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam trong chuyến công tác này.

Những gì tôi thấy và nghe tại Hội nghị thực sự rất ấn tượng. Vì vậy, tôi cho rằng Hải quan Việt Nam nên xem xét mô hình dữ liệu của WCO và ứng dụng mô hình này vì đây cũng là mô hình hiện EU đang áp dụng.

Hơn nữa, tiếp tục theo dõi hoạt động đang diễn ra tại EU với cuộc cải cách của Liên minh Hải quan, bởi vì chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi cách thức hoạt động của hải quan lần đầu tiên sau gần 70 năm, do đó bạn có thể thấy Hải quan châu Âu thay đổi phương thức hoạt động trong nhiều năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (thực hiện)
Phiên bản di động