Hải quan Việt Nam mong muốn vươn lên đón đầu công nghệ

(HQ Online) - Đó là một trong những nội dung nổi bật được ghi nhận tại tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10, nhân sự kiện Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) diễn ra từ ngày 10-12/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội, Việt Nam).
Hải quan Việt Nam với 5 vai trò quan trọng tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO mang đến sức mạnh công nghệ trong lĩnh vực hải quan Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới quản lý

Cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, Hải quan Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khối ASEAN đăng cai tổ chức sự kiện thường niên này của WCO. Việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm trong hợp tác đa phương và song phương của trong khuôn khổ WCO.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chủ đề của hội nghị năm nay rất phù hợp với Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 mà Hải quan Việt Nam đang triển khai với mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Tại hội nghị lớn này, Hải quan Việt Nam cũng sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cũng như tiếp cận công nghệ mới và cơ hội giới thiệu tới Hải quan các nước về những nỗ lực triển khai công tác hiện đại hóa, áp dụng công nghệ mới nổi và công tác kiểm soát, kiểm tra giám sát hải quan của Hải quan Việt Nam”.

Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức  ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ

Còn theo bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, nguyên đại diện Hải quan Việt Nam và chuyên gia tại WCO, việc WCO lựa chọn nước chủ nhà của Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 là vinh dự và tự hào của Hải quan Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung. Do đó, sự kiện được tổ chức thành công, không chỉ khẳng định vị trí chính trị chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là cơ hội để Hải quan Việt Nam khẳng định vai trò của cơ quan Hải quan trong khu vực và quốc tế.

Đây cũng là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có quy mô lớn với sự tham dự của Lãnh đạo WCO và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự hội nghị và triển lãm. Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh thì việc tiếp cận với công nghệ mới nhất cũng như các thông lệ và bài học kinh nghiệm của hải quan các nước tại hội nghị sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam có được hướng đi phù hợp trong xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay.

Đặc biệt, hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng Hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Đặc biệt, việc đăng cai hội nghị cũng sẽ mở ra cho Hải quan Việt Nam nói chung và các DN công nghệ của Việt Nam nói riêng cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước.

Tích cực đẩy mạnh hợp tác

Nhấn mạnh tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ở phương diện hợp tác đa phương, Hải quan Việt Nam là một cơ quan tích cực trong khối ASEAN và các tổ chức khác như GMS và APEC. Trong hợp tác song phương, Hải quan Việt Nam luôn nhận được sự kết hợp, hỗ trợ từ cơ quan Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới trong quá trình triển khai cải cách hiện đại hóa.

Ngoài các tổ chức đa phương giúp đỡ, những hỗ trợ của Hải quan Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc... trong giai đoạn đầu Hải quan Việt Nam bắt tay vào công tác hiện đại hóa là vô cùng quý báu. Trong đó, Hải quan Nhật Bản không chỉ hỗ trợ rất lớn cho Hải quan Việt Nam về máy móc, công nghệ mà còn hỗ trợ đào tạo trực tiếp cho hàng nghìn lượt cán bộ công chức tiếp cận, sử dụng công nghệ hiện đại trong giai đoạn đầu của tiến trình hiện đại hóa.

Ngoài ra, năm 2019 dấu mốc quan hệ giữa Hải quan Hoa Kỳ và Hải quan Việt Nam được nâng lên tầm cao mới với việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Cho tới thời điểm này, trong các cơ quan Hải quan phối hợp với Hải quan Việt Nam thì Hải quan Hoa Kỳ là cơ quan duy nhất ký Hiệp định cấp chính phủ trong lĩnh vực hải quan. Với dấu mốc như vậy, hai bên đã có nhiều hoạt động chia sẻ thông tin để hỗ trợ công tác ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại, xuất xứ, ma túy, chống bán phá giá...

Trong quá trình chuyển đổi số, giám sát hải quan, mới đây nhất, Hải quan Hàn Quốc đã hợp tác, kết nối chia sẻ C/O điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, phải kể đến sự hỗ trợ của Hải quan Úc trong chia sẻ kinh nghiệm áp dụng và đào tạo công nghệ cho công chức Hải quan.

Với mong muốn vươn lên đón đầu công nghệ, Hải quan Việt Nam đã và đang nỗ lực, học hỏi, chia sẻ và không ngừng trau dồi, đẩy mạnh công tác đào tạo cho cán bộ công chức Hải quan. Trong đó, theo lãnh đạo cơ quan Hải quan, việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan không chỉ hướng tới mục tiêu khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu mà còn là giúp nuôi dưỡng thế hệ kế cận và chia sẻ thông tin, chống các hành vi gian lận, tạo thuận lợi thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.

Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO sẽ có khoảng 50 gian triển lãm của các DN tài trợ cho hội nghị và các DN công nghệ lớn trên toàn cầu tham gia như: S2 Global; Accenture, Leidos, Webb Fontaine, Microsoft; Cargo X, Cargoes, Crimson Logic, GTS, GUUD International, Nexyte, NucTech, Publican, Rapiscan, Smiths Detection...

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, có một số DN Việt Nam tham gia sự này kiện này như: Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty cổ phần Hệ thống Công nghệ (ETC)… Tuy nhiên, bà Nga bày tỏ sự tiếc nuối khi các DN không có gian hàng nào tham gia triển lãm. Mặc dù vậy, Hải quan Việt Nam hy vọng sự kiện là dịp để các DN công nghệ của Việt Nam tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới kết nối với các DN, tổ chức cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.

Nụ Bùi
Phiên bản di động