Chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Linh |
3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025
Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 đã chỉ rõ, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia. |
Trong những năm gần đây, ngành Hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan đã có những phát triển vượt bậc, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Ứng dụng CNTT đã có những đóng góp quan trọng trong quản lý hải quan và phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trước xu thế quốc tế, tính tất yếu trong chu trình hiện đại hóa và thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022. Trong đó, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số và đặt ra 3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan.
6 giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch và triển khai thành công các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết sẽ triển khai đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, đầu tiên là xây dựng mô hình Hải quan thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mô hình phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để đảm bảo triển khai thành công, Tổng cục Hải quan thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục để thống nhất chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đã thành lập các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Theo đó, công tác chuyển đổi số trong thời gian tới được chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn ngành. |
Căn cứ mô hình Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan, trong đó rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên cơ sở kết quả tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan thực hiện ứng dụng CNTT, số hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai hệ thống CNTT mới và chủ động nghiên cứu các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng bài toán nghiệp vụ Hải quan cụ thể như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trên cơ sở tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và ứng dụng CNTT, Tổng cục Hải quan thực hiện sắp xếp, huy động nguồn lực trong toàn ngành để tổ chức, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT Hải quan phục vụ đắc lực trong công tác triển khai chuyển đổi số.
Quan điểm phát triển của Hải quan trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 là: Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển Hải quan trong thời kỳ mới. Đồng thời, xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số. |
Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, trong đó ban hành các văn bản quy định chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan liên quan đến rất nhiều bên như: doanh nghiệp xuất nhập khẩu; doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp vận tải, logistics, đại lý hải quan; các ngân hàng thương mại và các bộ, ngành. Do đó, để đảm bảo thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan thành công thì một mình cơ quan Hải quan thực hiện là không đủ mà còn cần sự phối hợp triển khai chặt chẽ, đồng bộ của tất cả các bên liên quan.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Chuyển đổi số giúp thay đổi phương thức quản lý Tôi đánh giá cao ngành Tài chính nói chung, đặc biệt cơ quan Hải quan, Thuế tiên phong trong chuyển đổi số và làm từ sớm. Cơ quan Hải quan là một trong những đơn vị phải va chạm với khối lượng hàng hóa rất lớn, nếu như không làm tốt việc chuyển đổi số thì sẽ là nút thắt rất lớn, không chỉ là gánh nặng cho ngành Hải quan mà còn tăng chi phí cho doanh nghiệp khi phải chờ đợi. Chính nhờ đó, không chỉ tác động về phía bản thân các doanh nghiệp, giờ đây liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan, người dân, doanh nghiệp ngồi bất cứ đâu, bất cứ giờ nào cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ khai và nộp thuế, không như ngày xưa, phải xếp hàng tại cơ quan Thuế và Hải quan làm thủ tục. Do vậy, tạo ra sự tiện lợi nhanh chóng, giúp người nộp thuế tuân thủ tốt hơn, hàng hóa lưu thông nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số tác động chính đến đội ngũ công chức của ngành Hải quan, Thuế, đã làm thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ trạng thái cơ quan quản lý là người quản lý xin - cho sang một cơ chế phải phục vụ. Tuy nhiên, quản lý thuế và hải quan vẫn còn những rủi ro chưa kiểm soát được hết khi thay đổi từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện nay, kinh doanh trên mạng càng ngày phát triển đa dạng. Làm thế nào để kiểm soát được là vấn đề đặt ra rất lớn đối với ngành Hải quan, Thuế. Để làm được điều đó, hai ngành cần tiếp tục phải chuyển đổi số mạnh hơn và tiên phong hơn, phải kiểm soát tự động, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo AI, giúp công chức thuế, hải quan ngồi một chỗ có thể kiểm soát tự động. Đồng thời, nếu sử dụng công nghệ Blockchain thì quản lý được hàng hóa, bắt đầu ở nước ngoài, hàng hóa chưa vào Việt Nam đã biết được giá cả, chi phí, xuất xứ… chắc chắn ngành Hải quan, Thuế phải đi đầu trong vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại tự động trong công nghệ 4.0. Hơn nữa, công tác quản lý thuế và hải quan không chỉ của riêng ngành Hải quan, Thuế mà trở thành hoạt động liên ngành, phối hợp chặt chẽ không chỉ trong nước, mà còn hợp tác xuyên biên giới, quốc tế hóa các hoạt động đó. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan Lê Đức Thành: Số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan Hiện nay ngành Hải quan đang phục vụ khoảng 80.000 doanh nghiệp XNK thường xuyên. Kim ngạch XNK dự kiến đến 31/12/2022 đạt 740 tỷ USD, Năm 2022 ngày Hải quan đang được giao chỉ tiêu thu ngân sách 350.000 tỷ đồng. Khoảng 7 năm trở lại đây, quân số ngành Hải quan giảm dần, trung bình một năm giảm khoảng 1 đến 1,5% quân số, khối lượng giao dịch, kim ngạch tăng 20%, thuế tăng 10%. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, trong nhiều năm qua (từ giai đoạn năm 2000) ngành Hải quan luôn chú trọng công tác hiện đại hóa. Đáng chú ý, từ khi dịch Covid-19 diễn ra, về cơ bản ngành Hải quan không có sự xáo trộn trong hoạt động khai hải quan và hoạt động XNK của doanh nghiệp vì ngành Hải quan đã có nền tảng hiện đại hóa từ những năm 2000. Minh chứng cụ thể cho giá trị cải cách hiện đại hóa mang lại được thể hiện rõ nét trong các con số. Trong 15 triệu giao dịch/năm thì chỉ có 5% giao dịch luồng Đỏ, 30% luồng Vàng và 65% luồng Xanh, không có bất kì sự can thiệp nào của con người, hoàn toàn bằng máy tính. Tỷ lệ luồng Đỏ đã tiếp cận chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên tỷ lệ luồng Vàng cần tiếp tục giảm sâu nữa để tăng tỷ lệ luồng Xanh, tiếp cận chuẩn mực quốc tế lớn hơn nữa. Đối với công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan là cả quá trình, khoảng những năm 2000 ngành Hải quan đã dần thực hiện quá trình này. Điển hình lớn nhất là 2014, cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông quan tự động, tại đây tất cả các tờ khai hải quan gần số hóa. Người dân và doanh nghiệp gửi tờ khai đến sau 3 giây nhận được kết quả trả lời: Xanh, Vàng hay Đỏ. Số hóa là một trong những nội dung ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh. Bởi hiện nay một bộ phận hồ sơ vẫn gửi đến cơ quan Hải quan dưới dạng bản scan. Đã là scan thì chưa phải là số hóa. Do đó một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Hải quan đến 2025 phải đạt được là số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan. Doanh nghiệp nộp hồ sơ hải quan dưới dạng số chứ không phải điện tử. Nghĩa là tất cả được thể hiện bằng các chỉ tiêu, tiêu chí thông tin và trên cơ sở đó, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp cơ quan Hải quan đánh giá được rủi ro chính xác hơn, quyết định phân luồng chính xác và giảm thiểu tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia: Cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan Chuyển đổi số của ngành Tài chính, trong đó có Hải quan và Thuế đã có những bước đi ấn tượng, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Ngành tài chính, ngân hàng đã có những chuyển biến rất tốt trong chuyển đổi số, nhưng không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, việc chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ cần được đẩy nhanh hơn nữa để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số các lĩnh vực, trong đó có Hải quan và Thuế. Rõ ràng để triển khai thành công chuyển đổi số cần phải có hệ sinh thái. Người dân chỉ cần có một đến hai app là có thể kết nối với tất cả các dịch vụ. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách chia sẻ thông tin dữ liệu và trách nhiệm của các biên liên quan. Bên cạnh đó, người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp của kế hoạch chuyển đổi số, do đó truyền thông, giáo dục về kỹ năng số vô cùng quan trọng. Đây là chương trình dài hơi. Do đó, ngành Hải quan, Thuế cần quyết liệt triển khai việc tuyên tuyền, hướng dẫn tới người dân và doanh nghiệp. Ngọc Linh (ghi) |