Xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Kể từ khi thành lập cho đến nay, quá trình xây dựng, hoạt động của ngành Hải quan luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, gắn liền với sự lớn mạnh, phát triển của Nhà nước dân chủ nhân dân, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Chặng đường 71 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCC) Hải quan đã hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập
|
“Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020” tập trung vào 3 mục đích chiến lược: Một là, tạo thuận lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế, đảm bảo nguồn thu, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng. Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan. Ba là, nâng cao năng lực của cơ quan Hải quan các cấp theo hướng từng bước xây dựng cơ quan Hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử. |
Trong 30 năm đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa hội nhập với thế giới, ngành Hải quan đã thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; có nhiều nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Hải quan vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chính sách pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và cộng đồng DN.
Thực hiện các cam kết quốc tế, ngành Hải quan đã và đang tích cực cải cách, hiện đại hóa thông qua việc cải tiến quy trình, cơ chế quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế và của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Nhận thức rõ cải cách, hiện đại hóa hải quan là một đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của đất nước, đồng thời xuất phát từ thực trạng, năng lực quản lý, ngành Hải quan đã tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, thể chế, tạo khuôn khổ cho việc đổi mới phương thức quản lý, làm việc của Hải quan trong tình hình mới; thiết kế lại các quy trình nghiệp vụ; đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện quản lý phù hợp, đào tạo nâng cao trình độ CBCC.
Với vai trò là một trong những cơ quan quản lý quan trọng đối với lĩnh vực XNK, ngành Hải quan được Chính phủ, Bộ Tài chính giao chủ trì thực hiện nhiều đề án, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014, 2015, 2016 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ này, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực và đóng góp vào tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý với những dấu ấn nổi bật:
Thứ nhất, triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đến nay trên 98% hàng hóa XNK chính ngạch được làm thủ tục qua hệ thống này và việc thực hiện VNACCS/VCIS cũng đã giúp Ngành sớm hoàn thành mục tiêu 5 “e” là: e- Declaration (tờ khai của người xuất nhập khẩu); e-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử); e-Payment (nộp thuế, lệ phí qua phương thức điện tử), e- C/O (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử), e-Permit (cấp giấy phép các bộ, ngành).;
Thứ hai, với vai trò là chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), một cửa ASEAN (ASW), ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ, ngành mở rộng các thủ tục hành chính thực hiện trên cổng, qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba, thực hiện Đề án kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, ngành Hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành mở 7 điểm kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu, điểm thông quan có lưu lượng XNK lớn; tiếp tục rà soát kiến nghị các bộ, ngành bổ sung mã số HS cho hàng hóa, bãi bỏ việc kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng không cần thiết... nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia, không những tích cực thực hiện công tác tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, ngành Hải quan còn chủ động thực hiện nhiều chuyên án, chuyên đề triệt phá các đường dây buôn lậu trên các tuyến đường bộ, hàng không, đường biển, thu về cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nâng cao năng lực quản lý Hải quan
Trong từng giai đoạn phát triển cải cách, hiện đại hóa, Hải quan Việt Nam đều có các Kế hoạch để triển khai thực hiện. Cụ thể, “Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2004-2006” ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-BTC ngày 16-3-2004; “Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2008-2010” ban hành theo Quyết định số 456/QĐ-BTC. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020” trong năm 2011. Trên cơ sở Chiến lược trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định 1514/QĐ-BTC ngày 22-6-2011 ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2010-2015”. Và tiếp tục cho giai đoạn phát triển mới, ngày 19-7-2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 1614/QĐ-BTC ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020”. Quyết định này là sự nối tiếp các kế hoạch cải cách phát triển, hiện đại hóa hải quan trong thời gian qua.
Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng ngành Hải quan trở thành cơ quan Hải quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả, hiệu lực các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, trở thành cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan. Xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, được trang bị và làm chủ các trang thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Thời gian tới, tiến trình hiện đại hóa hải quan cần tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần đổi mới, cải cách của Luật Hải quan 2014, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát hải quan theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đặc biệt là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hải quan phải được thực hiện trên cơ sở hệ thống thông tin quản lý tập trung trước, trong và sau thông quan, kết nối đồng bộ với ứng dụng trang thiết bị hiện đại.
Ngành Hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế, vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện quy định của pháp luật về Hải quan để tiếp tục cải cách, đổi mới, một cách thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về Hải quan theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Bên cạnh đó là tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế, xử lý nợ đọng, bám sát hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu của cộng đồng DN và các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước góp phần đảm bảo tiềm lực tài chính quốc gia.
Đồng thời với việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, ngành Hải quan tiếp tục có giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tham mưu lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện tốt vai trò Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng; sẽ mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế với Hải quan các nước trong khuôn khổ hợp tác của WCO nhằm phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như giả mạo xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế quan; gian lận về trị giá, số lượng, trọng lượng hàng hóa. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
| |
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tham dự Hội nghị WCO tại Vương quốc Bỉ (ngày 14-7-2016) Ảnh: Vụ HTQT |
Xây dựng lực lượng: Con người là yếu tố quyết định
Năm 2016 là năm đầu tiên cả nước bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là năm đầu tiên bộ máy lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ khóa 2016-2020 lãnh đạo, điều hành hoạt động của đất nước. Đối với Tổng cục Hải quan, năm 2016 Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan triển khai Nghị quyết nhiệm kỳ mới (Khóa X, 2015-2020) và là năm đầu tiên Tổng cục Hải quan thực hiện “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020” và đang ở giữa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.
Để thực hiện được khối lượng công việc vô cùng lớn và nặng nề này, ngành Hải quan xác định rõ việc xây dựng lực lượng, con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đang từng bước đổi mới cơ bản phương thức quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên mô tả vị trí việc làm. Trước hết là đối với các vị trí việc làm không giữ chức vụ lãnh đạo, nhằm đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc; nâng cao hiệu suất làm việc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điện tử hóa một số hoạt động quản lý nguồn nhân lực; nâng cao tính khoa học, công bằng, minh bạch cho các hoạt động quản lý nguồn nhân lực; đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý hải quan.
Song song công tác đào tạo, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng xác định, việc thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật sẽ đề cao được vai trò trách nhiệm của CBCC trong khi thi hành công vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật, chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên được tuân thủ nghiêm túc, chế độ báo cáo được duy trì kịp thời, chính xác sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về Hải quan góp phần phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kiên quyết với các cá nhân có dấu hiệu, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật, tham nhũng trong khi thi hành công vụ.
Trong đó tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm của CBCC.
Đây cũng sẽ là công cụ để ngành Hải quan giữ vững truyền thống, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ hình ảnh trước người dân, cộng đồng DN cũng như đối với Hải quan khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.
Tuy nhiên, trong thời gian tới để đạt được những mục tiêu đã đề ra, ngành Hải quan rất mong nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính; sự phối hợp của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính; lãnh đạo các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể đội ngũ CBCC Hải quan qua các thời kỳ.
L.T.S: Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển (10/9/1945 - 10/9/2016), Hải quan Việt Nam ngày càng phát huy truyền thống tốt đẹp, đóng góp vai trò quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách, góp phần giữ vững an ninh, an toàn cộng đồng, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia. Hiện Hải quan Việt Nam đã và đang là một trong những ngành đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa, được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập ngành, Báo Hải quan xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn về xây dựng lực lượng Hải quan hiện đại chuyên nghiệp, liêm chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. |