Đào tạo cán bộ Hải quan làm chủ công nghệ

(HQ Online) - Chủ đề Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức từ ngày 10-12/10/2023 tại Hà Nội mở ra các cách tiếp cận khác nhau trong việc đặt yếu tố con người làm trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan. Tại Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10, theo các diễn giả, để đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ thì việc đặt con người là trung tâm phải được ưu tiên hàng đầu.
Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO mang đến sức mạnh công nghệ trong lĩnh vực hải quan Hải quan Việt Nam với 5 vai trò quan trọng tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới quản lý Hải quan Việt Nam mong muốn vươn lên đón đầu công nghệ

Công nghệ mang lại lợi thế cho công tác đào tạo

Giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, các chiến lược đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan nhằm khai thác sức mạnh của công nghệ để đối phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu.

Ở lĩnh vực hải quan, kỷ nguyên số đang mang đến những cơ hội to lớn để thay đổi cách thức thực thi nhiệm vụ của cơ quan Hải quan. Các cơ quan Hải quan cũng đang xây dựng kế hoạch mở ra các cách tiếp cận khác nhau của công nghệ. Đồng thời, nhiều cơ quan Hải quan đặt mục tiêu thu hút thế hệ cán bộ Hải quan kế cận, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ ở bất kỳ cấp nào.

Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức  ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ

Trong bối cảnh như vậy, WCO lựa chọn Hải quan Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO năm 2023. Năm 2023, WCO lựa chọn chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. WCO đề cập đến khía cạnh nuôi dưỡng thế hệ kế nhiệm thông qua thúc đẩy văn hóa chia sẻ kiến thức và niềm tự hào nghề nghiệp hải quan. WCO đề cai vai trò của công nghệ và đổi mới trong việc chia sẻ kiến thức và tạo sức hấp dẫn về nghề nghiệp hải quan cho thế hệ trẻ.

Là chuyên gia có nhiều năm làm việc tại WCO và tiếp xúc với hầu hết cơ quan Hải quan các nước, theo bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, nguyên đại diện Hải quan Việt Nam và chuyên gia tại WCO, Hội nghị và Triển lãm năm 2023 cũng đề cập đến cách thức khai thác tối đa công nghệ mới trong hoạt động đào tạo và phát triển. Do đó, hội nghị lần này có vai trò hoàn thiện hơn bởi không chỉ giới thiệu công nghệ mà còn giới thiệu phương thức để ứng dụng công nghệ và đào tạo cán bộ Hải quan nhằm ứng dụng, triển khai công nghệ cho mục tiêu của cơ quan Hải quan trong tạo thuận lợi thương mại, thông quan hàng hóa nhanh chóng và kiểm soát tốt những tác động xấu đến nền kinh tế.

Cùng với mục tiêu chung, Hải quan Việt Nam đã thường xuyên có những cuộc cách mạng về công nghệ, từ chuyển đổi phương thức quản lý thủ công sang điện tử. Hiện tại Hải quan Việt Nam đang nỗ lực, tự mình xây dựng và thiết kế hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Trong tiến trình phát triển công nghệ vượt bậc liên tục như vậy thì Hải quan Việt Nam cũng chú trọng vai trò đào tạo cho cán bộ Hải quan để làm chủ được công nghệ. Do đó, hội nghị lần này tổ chức tại Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để CBCC Hải quan Việt Nam được tiếp cận đến với những công nghệ mới. Rất nhiều cơ quan Hải quan các nước sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như ứng dụng công nghệ mới, giúp Hải quan Việt Nam tìm kiếm cơ hội hỗ trợ từ các nước phát triển.

Công nghệ đóng vai trò hỗ trợ việc thực hiện trong mọi vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo con người mà cụ thể là các CBCC Hải quan. Mặc dù công nghệ không thể đóng vai trò quyết định thay thế con người, tuy nhiên, công nghệ tiên tiến thực sự đem lại nhiều lợi ích, lợi thế cho công tác đào tạo cán bộ, bà Nguyễn Thị Khánh Hồng chia sẻ quan điểm.

Công nghệ không phải là quyết định mà công nghệ có vai trò quan trọng phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ con người trong công tác quản lý. Do đó, con người là yếu tố quyết định và công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ Hải quan là vấn đề cốt yếu. Với quá trình phát triển của công nghệ như hiện nay đang đem lại rất nhiều cơ hội mới để cho cán bộ Hải quan được tiếp cận với kiến thức mới thông qua các phương thức bằng chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị.

Hải quan Việt Nam luôn ưu tiên đào tạo

CBCC Hải quan là lực lượng tiếp cận với xu hướng mới của thương mại, của chuỗi cung ứng, do đó, hầu hết cơ quan Hải quan các nước đều có trường, trung tâm nhằm tổ chức đào tạo, cung cấp, chia sẻ, cập nhật những kiến thức. Ngoài ra, WCO cũng hình thành nên những trung tâm đào tạo khu vực. Các trung tâm này là nơi đào tạo cho các chuyên gia về kiến thức, kinh nghiệm và cũng là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi, hoàn thiện vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan, thương mại.

Hội thảo khu vực ASEAN về thực hiện chương trình AEO diễn ra tại Trung tâm đào tạo khu vực AP, Indonesia. Ảnh: Khánh Hồng
Đại diện Hải quan Việt Nam tham gia Hội thảo khu vực ASEAN về thực hiện chương trình AEO diễn ra tại Trung tâm đào tạo khu vực AP, Indonesia. Ảnh: Khánh Hồng

Bà Nguyễn Thị Khánh Hồng chia sẻ, những năm qua, Hải quan Việt Nam luôn luôn ưu tiên công tác đào tạo kiến thức cho CBCC để triển khai thực hiện sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, CNTT. Theo đó, Hải quan Việt Nam đang có kế hoạch để nâng cấp Trường Hải quan Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo khu vực của WCO, bởi mô hình trung tâm đào tạo là mô hình tiên tiến nhất hiện nay.

Việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cũng đang được Hải quan Việt Nam rất quan tâm. Tuy nhiên, ở vai trò là đơn vị có chức năng hợp tác quốc tế, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc đào tạo cán bộ kế cận và cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực hải quan ở tầm quốc tế cần phải được quan tâm đào tạo nhiều hơn. Trong đó, đối với các cán bộ kế cận làm công tác quản lý thì việc tiếp cận theo xu hướng, tập trung đào tạo lĩnh vực cốt yếu, chuyên sâu thì mới đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt quá trình triển khai công nghệ. Đặc biệt, cần phải chú trọng đưa các cán bộ ở những lĩnh vực đang thiếu, yếu, cần chuyên môn... đi đào tạo, tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm tại các cơ quan đào tạo quốc tế. Trong đó, Hải quan Việt Nam đang rất cần đào tạo thường xuyên cho các cán bộ chuyên nghiệp làm việc tại các vị trí như sân bay, cảng biển... về trị giá, mã, HS, C/O.

Mặc dù, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia đào tạo tại các quốc gia tiên tiến thế giới, tuy nhiên, việc đào tạo cần phải liên tục, cập nhật thường xuyên các kiến thức mới, nắm bắt nhanh các quy định, các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới thì mới đạt hiệu quả tối đa.

Thực tế trong những năm ảnh hưởng của dịch Covid- 19, Hải quan Việt Nam đã áp dụng việc trao đổi, xử lý thông tin, đào tạo kiến thức cho CBCC Hải quan trong Ngành thông qua môi trường điện tử đã mang lại nhiều kết quả. Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, với xu hướng công nghệ như hiện nay, để tiết kiệm thời gian, thì việc đào tạo trực tuyến cũng sẽ giúp cho nhiều CBCC được tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hơn.

Nụ Bùi
Phiên bản di động